Kiểm thử phần mềm là gì? Tại sao cần phải kiểm thử phần mềm
Trong thời đại các thiết bị công nghệ phát triển mạnh mẽ, liên tục như ngày nay thì công việc kiểm thử phần mềm không còn quá xa lạ với mọi người, nhất là với những bạn làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Để tạo ra một phần mềm/ ứng dụng chất lượng thì kiểm thử phần mềm là một bước cực kỳ quan trọng không thể bỏ qua của các doanh nghiệp. Vậy cụ thể công việc này là gì hãy tìm hiểu cùng VTC Academy Plus nhé!
Kiểm thử phần mềm là gì
Kiểm thử phần mềm (Software testing) là quá trình bao gồm nhiều hoạt động kiểm tra để phát hiện ra lỗi của phần mềm nhằm cung cấp cho lập trình viên, khách hàng,… thông tin về chất lượng của phần mềm được kiểm thử. Mục đích cuối cùng của công việc này là đảm bảo sản phẩm hoạt động hiệu quả và đáp ứng đúng theo mong muốn, yêu cầu của khách hàng.
Những người thực hiện công việc kiểm tra này được gọi là tester (chuyên viên kiểm thử phần mềm). Họ là những người có vai trò đảm bảo uy tín của công ty về chất lượng sản phẩm, tránh những trường hợp sản phẩm bị lỗi khiến khách hàng trả về cho công ty.
Quy trình kiểm thử phần mềm bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau như: lập kế hoạch phân tích, thiết kế quá trình kiểm thử, thực thi, báo cáo,… Mỗi giai đoạn sẽ có những hoạt động, mục tiêu và người thực hiện khác nhau.
Nhưng tại sao chúng ta lại phải thực hiện cả một quy trình nhiều hoạt động phức tạp như vậy? Phần tiếp theo VTC Academy Plus sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Tại sao phải kiểm thử phần mềm
Trong quá khứ đã có khá nhiều sự cố đáng tiếc xảy ra mà nguyên nhân chính là lỗi phần mềm. Những sự cố này đã gây ra thiệt hại rất nhiều về tài sản và thậm chí là tính mạng con người. Một số ví dụ có thể kể đến như:
- Một chiếc máy bay Airbus A300 của hãng hàng không China Airlines đã bị rơi do lỗi phần mềm vào năm 1994 khiến 264 người thiệt mạng.
- Năm 1999, một vụ phóng vệ tinh quân sự đã thất bại do lỗi phần mềm gây ra đã làm thiệt hại 1,2 tỷ đô. Có lẽ đây là một trong những sự cố gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử.
- Kinh điển trong ngành y tế có sự cố của máy xạ trị Therac – 25 ở Canada. Do lỗi phần mềm nên máy đã cung cấp liều bức xạ sai gây chết người cho bệnh nhân. Hậu quả của lỗi phần mềm này chính là 3 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương nặng.
Có thể thấy dù là lỗi phần mềm nhỏ thôi cũng có thể gây ra thiệt hại vô cùng lớn. Nhiều công ty, nhất là những công ty nhỏ, có ngân sách eo hẹp thường bỏ qua bước này. Nhưng những ví dụ trên đã cho thấy hậu quả mà nó gây ra thậm chí còn lớn hơn phần ngân sách chi cho việc kiểm thử phần mềm. Vì vậy việc kiểm thử phần mềm là điều bắt buộc để có thể mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng và an toàn nhất.
Việc kiểm thử phần mềm sẽ giúp Software Engineer (Kỹ sư phần mềm) phát hiện ra lỗi sớm và kịp thời chỉnh sửa. Một khi sản phẩm được giao đến khách hàng thì sản phẩm phải hoàn hảo nhất có thể. Sau đây là những lợi ích mà của việc kiểm thử phần mềm mang lại cho doanh nghiệp:
Hiệu quả về chi phí
Thực tế cho thấy rằng chúng ta rất khó tránh khỏi các lỗi phần mềm. Đó có thể không phải do các Developer bất cẩn mà đôi khi lỗi có thể do hệ thống quá phức tạp. Vì thế việc kiểm thử phần mềm sẽ giúp tìm ra lỗi sớm, quá trình chỉnh sửa ít tốn kém hơn. Ngoài ra cũng tránh được những lỗi phần mềm làm thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp.
Đảm bảo về bảo mật thông tin
Vấn đề bảo mật thông tin luôn là điểm nhạy cảm của các phần mềm. Thông tin người dùng cực kỳ quan trọng nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay. Kiểm thử phần mềm giúp sản phẩm hạn chế được những cuộc tấn công đánh cắp thông tin tinh vi. Từ đó, sản phẩm cũng trở nên đáng tin cậy hơn trong mắt người dùng.
Đảm bảo chất lượng sản phẩm
Quy trình kiểm thử phần mềm giống như là việc củng cố thương hiệu cho công ty bằng cách cung cấp cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, hoàn hảo nhất. Ngoài ra, công việc kiểm tra này cũng giúp khách hàng nắm được thông tin về sản phẩm phần mềm của mình, từ đó có những điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu của mình nếu cần.
Gia tăng sự hài lòng khách hàng
Trong kinh doanh, mục tiêu cuối cùng luôn là đáp ứng và mang đến cho khách hàng sự hài lòng để đổi lại doanh thu cho doanh nghiệp. Một khi khách hàng hài lòng, tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp thì sự hợp tác của đôi bên mới lâu dài. Khách hàng là thượng đế, vì thế doanh nghiệp cần tạo ra những sản phẩm hoàn hảo nhất mang đến cho các khách hàng của mình.
Học những gì để trở thành nhân viên kiểm thử phần mềm
Để trở thành một chuyên viên kiểm thử phần mềm bạn cần trang bị cho mình những hành trang sau:
Kiến thức chung
- Kiến thức về máy tính, cài đặt phần mềm, tin học văn phòng.
- Kiến thức về lập trình: SQL, HTML, CSS là 3 ngôn ngữ lập trình tối cần thiết để bạn có thể trở thành một tester. Có thể bạn không cần học chuyên sâu về code nhưng bạn phải đọc, hiểu và chỉnh sửa được code đơn giản.
- Kiến thức tổng quan về kiểm thử phần mềm bao gồm việc hiểu và nắm được các định nghĩa, thuật ngữ, quy trình test, quy trình phát triển phần mềm. Để có được những kiến thức tổng quan về công việc này bạn có thể tham khảo thêm giáo trình ISTQB Foundation.
Kiến thức bổ sung chuyên sâu
Sẽ có hai hướng cho bạn lựa chọn phát triển đó là Manual Test (kiểm thử thủ công) và Automation Test (Kiểm thử tự động)
Manual Test
- Các thành phần cần có trong một test plan và cách viết test plan.
- Cách viết một test case thông dụng.
- Cách viết báo cáo kết quả test.
- Cách sử dụng các công cụ tracking thông dụng như: Jira, Bugzilla, Mantis hay Application Lifecycle Management (ALM).
- Cách cài đặt và test ứng dụng mobile, giả lập thiết bị điện thoại trên máy tính.
- Cách test một ứng dụng desktop, một trang web hay giả lập các trình duyệt khác nhau trên máy tính.
- Coding: SQL, HTML, CSS.
Automation test
- Học thêm về 2 ngôn ngữ lập trình Java và C# (.Net) – ngôn ngữ lập trình người làm Automation test hay dùng. Ngoài ra, bạn có thể học thêm các ngôn ngữ hỗ trợ như: AutoIT, Python
- Học về các công cụ Automation phổ biến như: Selenium, Ranorex, TestComplete, Appium.
- Một số công cụ hỗ trợ khác như: SoapUI, Jmeter.
Con đường phát triển sự nghiệp của một Software Tester
Lĩnh vực kiểm thử phần mềm có khá nhiều hướng đi cho các bạn tùy chọn. Dựa vào năng lực, sở thích cá nhân bạn có thể lựa chọn đi theo 4 con đường sau:
Hướng thứ 1: Đi theo Technical (Testing Technical)
Bạn có thể đặt mục tiêu trở thành Business analyst (BA) – chuyên viên phân tích kinh doanh. Trong quá trình làm tester bạn sẽ tích lũy được những kỹ năng cần thiết để trở thành một BA. Tuy nhiên, BA thường làm việc trong môi trường tiếng anh nên bạn cần trau dồi thêm trình độ anh ngữ của mình nếu muốn đi theo hướng này.
Hướng thứ 2: Đi chuyên sâu về testing
Hướng đi này bạn có thể đi theo từng cấp bậc từ Fresher (Học việc) cho đến chuyên viên rồi lên làm Tester Lead (trưởng nhóm kiểm thử) và cuối cùng là Tester Manager (quản lý kiểm thử)
Hướng thứ 3: Đi theo hướng quản lý
Nếu bạn nhận thấy bản thân mình có khả năng quản lý, điều phối công việc tốt bạn có thể đi theo hướng này để trở thành Project Manager (Quản lý dự án)
Hướng thứ 4: Chuyển qua làm BrSE (Kỹ sư cầu nối)
Đây có vẻ là hướng đi khác biệt hơn. Nếu bạn có khả năng chuyên môn cao, kiến thức chuyên ngành rộng bạn có thể đa nhiệm hơn trở thành một BrSE. Mỗi giai đoạn của dự án, BrSE sẽ có vai trò riêng nhưng bạn có thể hình dung công việc của một BrSE như sau:
Bridge System Engineer (BrSE) = Developer + Tester + Business Analyst + Project Manager (PM) + Communicator.
Học Kiểm thử phần mềm ở đâu?
Thông thường sẽ có 2 phương pháp học chính: tự học và học tại các trường đào tạo ngành công nghệ thông tin.
Đối với việc tự học, nếu bạn là người có nền tảng về công nghệ thông tin thì việc tự học Kiểm thử phần mềm sẽ khá nhanh. Ngoài ra, bạn là người nghiêm khắc với bản thân và có tinh thần tự học cao thì cách này cũng sẽ giúp bạn trở thành một Tester với mức chi phí tiết kiệm.
Nhưng đối với những bạn không phải là dân chuyên về công nghệ thông tin thì sao? Các bạn muốn chuyển ngành hoặc đơn giản là những bạn mới bắt đầu học về công nghệ thông tin thì có học Kiểm thử phần mềm được hay không? Câu trả lời ở đây là được nha các bạn. Hiện nay có khá nhiều trường dạy lập trình bạn có thể tham khảo và lựa chọn theo học. Học viện Công nghệ thông tin và Thiết kế (VTC Academy) là một trong số các trường đào tạo lập trình uy tín, chất lượng mà bạn có thể tìm hiểu. Với chương trình liên thông quốc tế (VTC Academy Plus) bạn sẽ được cung cấp đầy đủ các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bạn có thể làm việc trong môi trường quốc tế.
Sau 2,5 năm học chương trình đào tạo Kỹ thuật phần mềm của VTC Academy Plus, bạn sẽ có cơ hội du học liên thông tại trường Cao đẳng Quốc tế North Island (NIC) – đơn vị đào tạo hàng đầu tại Canada. Sau khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật phần mềm tại VTC Academy Plus bạn sẽ nhận được tấm bằng có giá trị trên toàn cầu và rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn khác. Điểm đặc biệt của VTC Academy Plus chính là bạn vẫn được học tập trong môi trường chuẩn quốc tế nhưng thời gian đào tạo được rút ngắn hơn so với việc du học trực tiếp. Đồng thời chi phí cũng hợp lý hơn cho bạn rất nhiều.
>>> Xem thêm: Học kỹ thuật phần mềm ra trường làm gì
Hy vọng bài viết trên của VTC Academy Plus đã giúp bạn hiểu hơn về công việc Kiểm thử phần mềm và tầm quan trọng của công việc này trong quá trình tạo nên một phần mềm tốt. Hiện nhu cầu tuyển dụng Tester cho các công ty phần mềm đang rất lớn. Bởi ở nước ngoài cứ 1 lập trình viên sẽ có 4 Tester đi kèm nhưng tại Việt Nam thì 1 Tester phải phụ trách 4 – 5 lập trình viên khác nhau. Nếu bạn thấy bản thân mình phù hợp với công việc này thì đừng chần chừ. Hãy bắt đầu học tập ngay để trở thành chuyên viên hàng đầu trong lĩnh vực này.