Độc lạ KPOP: Xuất hiện nhóm nhạc nữ đầu tiên được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (AI) trong Metaverse
Ngành giải trí Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới trong việc nắm bắt xu hướng Metaverse. Nhiều công ty chạy đua phát triển các nghệ sĩ ảo, đồng thời tạo một thị trường riêng cho những nghệ sĩ “làm việc không biết mệt”. Vừa qua, một nhóm nhạc ảo được tạo ra hoàn toàn trong Metaverse đầu tiên xuất hiện đã làm khuấy đảo cộng đồng mạng. Cùng VTC Academy Plus tìm hiểu về xu hướng mới cùng nhóm idol “độc lạ” này ngay trong bài viết sau nhé !
Xu hướng thần tượng (Idol) ảo lên ngôi: Liệu đây có phải là tương lai của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc
Idol ảo không còn là khái niệm mới trong Kpop
Vào năm 2021, số lượng thần tượng ảo do AI (trí tuệ nhân tạo) điều khiển tăng lên đáng kể. Các nghệ sĩ ảo này không chỉ phát hành các bài hát trong Metaverse mà còn xuất hiện thực tế trên các sân khấu âm nhạc! Câu hỏi được đặt ra là: “Liệu thần tượng ảo sẽ trở thành tương lai của Kpop?”.
Đặc biệt, hiện có 3 nhóm nhạc Kpop ảo và 2 ca sĩ solo AI đã tạo được ảnh hưởng trong làng giải trí. K/DA, aespa, Eternity, Rozy và Apok đã từng khuấy đảo ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc lẫn thế giới với những bản hit: POP/STARS, Next Level, Illusion …
Bắt đầu với aespa, nhóm nhạc nữ trực thuộc công ty SM Entertainment chính thức ra mắt với đĩa đơn “Black Mamba” vào năm 2020. Nhóm có bốn thành viên hiện diện trong thế giới thực là Karina, Winter, Giselle và NingNing. Tuy nhiên, công ty quản lý lẫn các ca sĩ nhấn mạnh rằng họ là một nhóm gồm tám thành viên cùng với các avatar: ae-Karina, ae-Winter, ae-Giselle và ae-NingNing.
Khái niệm của nhóm sẽ xoay quanh quan điểm độc đáo của aespa về thế giới hoặc KWANGYA – nơi hai thế giới tồn tại trong vũ trụ văn hóa của SM (SMCU). Ở đó, KWANGYA giống như một chiều không gian khác tồn tại song song với thế giới thực, nơi chúng ta vẫn đang sinh sống hiện tại và mỗi nghệ sĩ SM Entertainment sẽ đóng một vai trò khác nhau. Các thành viên và avatar cũng sẽ xuất hiện cùng nhau trong buổi biểu diễn, buổi họp mặt người hâm mộ và buổi hòa nhạc của nhóm – để tiết lộ những câu chuyện liên quan đến SMCU.
Trước aespa, K/DA là những thần tượng K-pop đầu tiên ra mắt với phiên bản ảo vào năm 2018. Nhóm có bốn thành viên bao gồm Ahri, Akali, Evelynn và Kai’Sa. Tất cả đều là các nhân vật trong game Liên Minh Huyền Thoại phiên bản lấy cảm hứng từ K-pop.
Mặc dù bị phản đối bởi một số người hâm mộ trên toàn thế giới, nhưng nhóm nhạc AI của Riot Games đã trở nên nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn ở Hoa Kỳ, với đĩa đơn “POP/STARS”. Bài hát này đã giúp K/DA nhận được chứng nhận vàng từ RIAA, bên cạnh các nhóm nhạc nổi tiếng TWICE, (G)I-DLE, v.v. – minh chứng cho sự thành công của nhóm.
Trong khi đó, vào tháng 3 năm 2021, nhóm 11 thành viên của công ty giải trí Pulse9, một công ty thương hiệu AI, ra mắt nhóm nhạc gồm 11 thành viên với tên gọi “Eternity” . Ca khúc đầu tay “I’m Real” của Eternity đã tích lũy được hơn 700.000 lượt xem, nhận được sự quan tâm lớn từ người hâm mộ trong và ngoài nước.
Cuối cùng là Rozy và Apoki – những nghệ sĩ solo ảo cũng tồn tại trong “siêu vũ trụ” Metaverse, một không gian mà con người và những người do máy tính tạo ra có thể cùng tồn tại.
Apoki đã ra mắt trong năm 2021 dưới sự quản lý của VV Entertainment với đĩa đơn “GET IT OUT”. Nhờ vẻ ngoài dễ thương và đáng yêu, Apoki cũng chiếm được sự quan tâm của các fan Kpop, tạo nên một fandom ngày càng lớn mạnh.
Về phần Rozy, cô ấy cũng là một Influencer nổi tiếng trên mạng xã hội với 154.000 người theo dõi trên Instagram. Nhờ sở hữu vẻ ngoài và khả năng vũ đạo không thua gì idol thật, Rozy Oh cũng nhận được nhiều tình cảm của người dân xứ sở kim chi .
MAVE: – Nhóm nhạc idol nữ đầu tiên được tạo ra hoàn toàn trong Metaverse
Nhóm nhạc nữ ảo “MAVE:” chính thức ra mắt với đĩa đơn “PANDORA’S BOX” vào ngày 25/01/2023 vừa qua với 4 thành viên: Siu, Zena, Tyra, Marty.
Các thành viên của MAVE: đều là idol ảo được tạo nên từ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) do Netmarble F&C và Kakao đầu tư sản xuất, được quản lý bởi Metaverse Entertainment, công ty con của Netmarble. Đây được xem là nhóm nhạc Kpop đầu tiên được tạo ra hoàn toàn trong Metaverse, sử dụng công nghệ machine learning, công nghệ deepfake (một kỹ thuật cho tổng hợp hình ảnh con người dựa trên trí tuệ nhân tạo) và thiết kế 3D.
Sở dĩ MAVE: nhận được sự chú ý từ cộng đồng mạng phần lớn nhờ vào ngoại hình siêu thực, dù chỉ là một dự án được tạo nên từ AI. Visual của nhóm còn được dân tình khen là “thật trân” hơn phiên bản AI của các nhóm nữ Kpop khác trước đó (như aespa, Blackpink, K/DA).
Nhóm được kỳ vọng sẽ tạo ra một làn sóng mới trong sự phát triển của Kpop hiện tại và kỷ nguyên không gian ảo Metaverse với một thế giới quan được thiết lập vững chắc. Dù là một nhóm idol ảo nhưng các thành viên cũng được xây dựng tính cách và có vị trí rõ ràng trong nhóm. Trưởng nhóm cá tính Siu, giọng ca chính ngọt ngào Zena, rapper “girl crush” Tyra và em út đáng yêu Marty, thu hút người hâm mộ bằng những nét quyến rũ khác nhau riêng của mỗi người.
Bên cạnh âm nhạc thì MAVE: cũng có kế hoạch hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như game, webtoon, Metaverse… mang đến cho người hâm mộ một cái nhìn tổng thể và những trải nghiệm độc đáo hơn về nhóm nhạc thần tượng ảo này. Ngoài tiếng Hàn, Metaverse Entertainment còn mong muốn MAVE: có thể trò chuyện một cách trôi chảy bằng tiếng Bồ Đào Nha với người hâm mộ Brazil hoặc tiếng Quan Thoại với khán giả Trung Quốc.
Thần tượng ảo châu Á mở cánh cửa bước vào Metaverse
Hiểu về Metaverse để chuẩn bị cho cuộc sống tương lai
Tất cả các hoạt động của con người như: Đăng tải thông tin về công việc và cuộc sống hàng ngày lên mạng xã hội; giảng dạy, học tập hay hội họp, làm việc trực tuyến; mê mẩn các trò chơi trực tuyến đều là đang tham gia vào Metaverse.
Metaverse – thế giới do con người tạo ra bằng công nghệ kỹ thuật số, thực ra đã xuất hiện được một thời gian. Nhưng khái niệm này được biết đến rộng rãi và đẩy nhanh tốc độ phát triển nhất trong đại dịch Covid-19, khi nhân loại buộc phải hạn chế tiếp xúc trong thế giới thực. Vũ trụ kỹ thuật số bấy giờ mang trọng trách quan trọng để duy trì sự kết nối, công việc hay đơn giản là giúp giải trí trong những tháng ngày giãn cách.
Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Metaverse. Al có thể được sử dụng để tạo môi trường ảo thực tế, cho phép tương tác động giữa hình đại diện và đối tượng, đồng thời cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa cho từng người dùng. Các công nghệ dựa trên AI như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, nhận dạng khuôn mặt và học máy cho phép các nhà phát triển tạo ra trải nghiệm nhập vai phù hợp với từng người dùng.
Các bot do Al cung cấp cũng có thể được sử dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trò chuyện giữa các nhân vật đại diện trong siêu dữ liệu và cung cấp phản hồi thời gian thực về hành vi của người dùng. Bằng cách tận dụng công nghệ Al, các nhà phát triển có thể tạo ra nhiều siêu dữ liệu hấp dẫn hơn, mang lại trải nghiệm phong phú hơn cho người dùng.
Xem thêm: Nhìn lại: Sự phát triển mạnh mẽ của Trí tuệ nhân tạo AI trong năm 2022
Theo GS. Kim Sang Kyun, giáo sư hàng đầu về Metaverse của Hàn Quốc cho biết: Metaverse chắc chắn sẽ còn mở rộng hơn nữa, thâm nhập và thay đổi cuộc sống thường ngày của con người. Mặc dù không thể thay thế hoàn toàn thế giới thực, nhưng nó vẫn sẽ tồn tại song song và bổ trợ cho các hoạt động của thế giới thực. Và con người cần phải thích nghi nhanh với điều này nếu không muốn bị tụt hậu lại phía sau.
“Công thức” xây dựng thành công một idol ảo trong Metaverse
Không có một công thức áp dụng cho tất cả các thần tượng ảo trên thế giới. Tuỳ theo tiêu chuẩn vẻ đẹp của từng quốc gia mà mỗi thần tượng ảo của mỗi nước mang một dáng vẻ khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của các nghệ sĩ được làm từ AI này chính là: Biết ca hát, biết biểu diễn, chụp ảnh thời trang, đóng quảng cáo nhằm quảng bá cho nhiều nhãn hàng ngoài đời thực.
Christopher Travers, người sáng lập nên virtualhumans.org, cho biết rằng chi phí sản xuất dành cho những thần tượng ảo “rẻ hơn” so với người thật, nếu tính về dài hạn. Khi sử dụng thần tượng ảo, các nhà sản xuất không cần phải tốn nhiều thời gian tìm kiếm người mẫu mới, tránh được những rủi ro làm trì hoãn công việc (chồng chéo lịch trình, sức khoẻ…), …
Thêm vào đó, họ có thể kiểm soát 100% các động thái của các thần tượng ảo nhằm đảm bảo những nhân vật này luôn có một hình ảnh trong sạch, không có các scandal. Tuy nhiên, điều ông Travers đánh giá cao hơn cả chính là những thần tượng ảo “không bao giờ già đi hay qua đời”.
Hiện tại, các thương hiệu tiêu dùng đa quốc gia như KFC, Tesla, Louis Vuitton và Givenchy đã dùng các thần tượng ảo cho các chiến dịch quảng cáo ở Trung Quốc. Nhìn xa hơn, sự phát triển của Metaverse cũng sẽ cung cấp những không gian mới cho các thần tượng ảo tồn tại và kết nối với người hâm mộ.
Ông Zhang, người làm việc tại một công ty AI có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng con người ảo sẽ được sử dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực giải trí mà còn trong giáo dục, phát thanh truyền hình và một loạt các lĩnh vực khác.
Mức độ đầu tư của các tập đoàn giải trí lớn Hàn Quốc vào Metaverse
SM Entertainment là một trong các công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc, quản lý các nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc như Super Junior, SNSD, EXO, Red Velvet… đang là cái tên đi đầu về Metaverse tại Kpop, chủ yếu xoay quanh nhóm nhạc nữ aespa. Ông Lee Soo Man, nhà sáng lập công ty giải trí SM Entertainment tuyên bố: “Tôi sẽ tạo ra một thế giới giải trí mới cho Metaverse”.
Cuối năm 2020, aespa ra mắt với 4 thành viên người thật, mỗi thành viên này lại có một phiên bản ảo, ví dụ như thành viên Karina có phiên bản AI là ae-Karina. Những “thành viên” ảo này thường xuyên xuất hiện trong các video âm nhạc và buổi biểu diễn của aespa, và là một phần trong nỗ lực của SM nhằm tạo ra một “vũ trụ sáng tạo” đa phương tiện (SMCU), đóng vai trò quan trọng trong Metaverse của công ty giải trí này.
HYBE – công ty chủ quản của nhóm nhạc toàn cầu BTS cũng đang đầu tư cho Metaverse, mở đầu bằng việc tạo ra Weverse – nền tảng cộng đồng dành cho người hâm mộ vào năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại công ty đang có kế hoạch tích hợp Weserve với nền tảng V Live của Naver tạo thành Weverse 2.0. Nền tảng này sẽ bao gồm các chức năng cho chương trình phát sóng trực tiếp kèm theo đó là dịch vụ mới như: Viết thư cho các nghệ sĩ, tạo và trang trí không gian riêng, fan có thể trò chuyện với nhau…
Ngoài ra, tập đoàn HYBE đã đầu tư 4 tỷ Won (gần 80 tỷ đồng) vào Giant Step – nơi tạo ra người mẫu ảo Han YuA (hiện đang trực thuộc công ty YG Kplus – công ty con của YG Entertainment), cho thấy tiềm năng phát triển rộng mở của các nhân vật thực tế ảo tại Hàn Quốc.
Tập đoàn truyền thông Kakao cũng không nằm ngoài cuộc đua Metaverse khi tiếp tục sản xuất chương trình sống còn “Girl’s Re:verse” – cuộc thi mà các thí sinh chỉ xuất hiện trong thế giới ảo này với một hình ảnh thế thân (avatar). Trong studio sản xuất chương trình, với hỗ trợ của công nghệ, các thí sinh nhảy múa và ca hát, đắm mình trong một thế giới ảo tên là “W” – nơi họ đang cạnh tranh để trở thành những idol Kpop tiếp theo ở Hàn Quốc.
Tiềm năng phát triển của thần tượng ảo
Trên thực tế, idol ảo đã xuất hiện tại Hàn Quốc từ ít nhất 25 năm trước với ca sĩ ảo Adam, được tạo lập bằng đồ họa máy tính trong môi trường giả lập. Tuy nhiên, ca sĩ ảo này đã biến mất sau khi ra mắt album duy nhất vào năm 1998.
Ngày nay, những ngôi sao ảo như Rozy, Lucy đã trở thành một xu hướng mới. Tài khoản Instagram của họ có hàng trăm nghìn lượt theo dõi, quảng bá cho các thương hiệu xa xỉ như Chevrolet và Gucci. Lý giải cho điều này, Lotte và Sidus Studio X cho biết chỉ mất vài ngày để vẽ ra hình ảnh hay dựng video quảng cáo của họ, ít hơn hẳn so với những dự án quảng cáo ngốn hàng tháng trời. Các influencer ảo này luôn trẻ mãi không già, làm việc không ngừng nghỉ và cũng không dính phải scandal như người nổi tiếng thật sự.
Các thần tượng ảo cũng bắt đầu đổ bộ tại các quốc gia khác. Trong đó có Lil Miquela, một người mẫu ảo của công ty startup Mỹ với hơn 3 triệu người follow trên Instagram từng hợp tác với Calvin Klein, Prada hay Lu do Magalu, người mẫu ảo Brazil có đến 6 triệu lượt theo dõi Instagram.
Điểm khác biệt là những nhân vật ảo ở các quốc gia khác thể hiện đa dạng sắc tộc và tiêu chuẩn thẩm mỹ. Do đó làm dấy lên lo ngại những influencer hoàn hảo không tì vết này sẽ tiếp tay cho những chuẩn mực cái đẹp tiêu cực.
Theo McKinsey, chỉ trong 5 tháng đầu tiên của năm 2022, đã có hơn 120 tỷ USD được đầu tư phát triển công nghệ Metaverse trên toàn cầu. Phần lớn số tiền này đến từ các hãng công nghệ ở Mỹ. Đơn cử như Meta là tập đoàn công nghệ đã đổi tên để thể hiện tham vọng với vũ trụ ảo và đầu tư hàng tỷ USD vào lĩnh vực này. Nhưng kết quả nhận lại được là giá cổ phiếu sụt giảm và doanh thu thảm hại.
Hàn Quốc là kẻ dẫn đầu khi nhắc đến những ngôi sao, thần tượng ảo. Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư hơn 170 triệu USD để phát triển công nghệ này, thành lập “liên minh Metaverse” với hàng trăm công ty khác nhau.
Matthew Ball, CEO của quỹ đầu tư mạo hiểm EpyllionCo và cựu giám đốc chiến lược toàn cầu của Amazon Studios, cho rằng đây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực Metaverse. Tuy nhiên, liệu các công ty của xứ sở kim chi có giữ vững vị thế này khi Metaverse ngày càng phát triển hay không vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ, Ball nhận định.
Tài liệu tham khảo
- Eunice Dawson – “Virtual Human in K-pop: Virtual Influencer Rozy to Debut as Idol + BLACKPINK To Collaborate with AI YG Artist Han YuA?”
https://www.kpopstarz.com/articles/304768/20220215/virtual-human-kpop-virtual-influencer-rozy-debut-idol-blackpink-collaborate.htm - Mia by O’fficiel – “Thần tượng châu Á trở thành cánh cổng dẫn đến Metaverse”
https://www.lofficielvietnam.com/business/than-tuong-chau-a-tro-thanh-canh-cong-dan-den-Metaverse - HKT by iNews – “Korean Wave” enters the Metaverse, virtual idols promote the future of the entertainment industry”
https://inf.news/en/entertainment/57213c8c