VTC Academy Plus VTC Academy Plus
“The Dog & The Boy” – AI “xâm chiếm” ngành hoạt hình Nhật Bản

“The Dog & The Boy” – AI “xâm chiếm” ngành hoạt hình Nhật Bản

Ngày đăng 24/02/2023

Trí tuệ nhân tạo (AI) là một bước đột phá lớn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ máy tính thế kỷ XXI. Kể từ lần ra mắt đầu tiên vào năm 1956, trải qua quá trình tiến bộ của công nghệ, AI được sử dụng để phát triển các giải pháp cho nhiều vấn đề khác nhau, cho phép con người tự động hóa các tác vụ phức tạp, học hỏi từ nhiều tập dữ liệu lớn và tạo ra các thuật toán. Bên cạnh sự bùng nổ của ChatGPT – “siêu Chatbot” thông minh được phát hành bởi Open AI, trí tuệ nhân tạo một lần nữa khơi mào “làn sóng” tranh cãi sôi nổi của giới mộ điệu công nghệ cũng như nghệ thuật khi Netflix Nhật Bản công bố bộ phim hoạt hình ngắn mang tên “The Dog & The Boy” được sáng tạo và vẽ bởi AI.

Không phải “Netflix Bình Dương”, Netflix Nhật Bản cho ra mắt bộ phim hoạt hình “độc lạ” với sự tham gia sản xuất của AI

Ngày 31/01/2023 vừa qua, một bộ phim hoạt hình ngắn phát hành bởi Netflix Nhật Bản được đăng tải trên kênh Youtube chính thức của hãng mang tên “The Dog & The Boy”.

Bộ phim kéo dài 3 phút với phong cách anime đậm chất Nhật Bản – kể về câu chuyện cảm động giữa một cậu bé và chú cún robot bị bỏ rơi. Cậu nhóc vô tình tìm thấy chú cún bên dưới đống phế liệu đổ nát giữa khu rừng, trông chú ướt sũng đến đáng thương dưới trời mưa róc rách và thân thể lấm lem bùn đất. Chú ta như tìm thấy hy vọng sau khoảng thời gian tăm tối, cố gắng lê từng bước chân đã kiệt sức vào lòng cậu nhóc.

Họ trở thành bạn và lớn lên cùng nhau. Khoảng thời gian hạnh phúc kéo dài không lâu, chiến tranh nổ ra và cậu bé thuở nào đã trở thành thiếu niên trong độ tuổi cống hiến với quân đội. Chú cún robot cùng người bạn đồng hành của mình phải chia cắt. Dẫu cho qua bao lâu đi nữa, chú vẫn kiên trì chờ đợi cậu bé quay về trên đường ray xe lửa nơi người bạn của mình đã rời đi. Họ tìm thấy nhau khi đất nước đã hòa bình và chàng thiếu niên bấy giờ cũng đã trở thành một cụ già với những nếp nhăn xô lại nơi khóe mắt.

(Nguồn: Netflix Japan)

Không một lời thoại nào xuất hiện xuyên suốt bộ phim, thay vào đó là nhạc nền nhẹ nhàng nhưng vẫn truyền tải thành công cảm xúc của nhân vật. Điều đáng nói không phải hình ảnh, âm thanh hay nội dung, “The Dog & The Boy” trở nên “viral” sau khi Netflix công bố rằng toàn bộ phần background (phông nền) được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo. Chúng được người xem đánh giá là trông vô cùng phù hợp với nhân vật, bối cảnh và mạch phim, nếu hãng không bật mí, có lẽ cũng sẽ ít người phát hiện ra đây là tác phẩm của AI. Mặc dù không quá nổi trội nhưng đây cũng là hồi chuông báo động cho các họa sỹ hoạt hình và minh họa truyện tranh tại Nhật Bản. Sau hai tuần ra mắt, bộ anime này đã nhận được hơn 107 nghìn lượt xem trên kênh Youtube, một con số tương đối cao so với các video khác được đăng tải vào cùng thời điểm.

3 phút phim khiến giới họa sỹ Nhật Bản “chao đảo”

Netflix là nhà đầu tư khá lớn cho ngành sản xuất anime của Nhật Bản và không ngại chi trả số tiền khủng cho các dự án phim mà họ tâm đắc. Ngoài ra, “The Dog & The Boy” còn có sự đóng góp của Wit Studio – một công ty có tiếng trong ngành, đã từng tham gia sản xuất nhiều phần trong bộ anime đình đám Attack On Titan (tên Việt tạm dịch: Tấn công người khổng lồ); và Rinna – một startup chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, đã cung cấp công nghệ AI trong suốt quá trình sản xuất phim.

Attack On Titan

(Nguồn ảnh: Internet)

Netflix Nhật Bản miêu tả bộ phim ngắn này là sản phẩm thử nghiệm sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay thế các họa sỹ vẽ bối cảnh, nhằm mục đích đối phó với sự thiếu hụt nhân lực lao động trong ngành công nghiệp phim hoạt hình tại đây. Theo đó, đạo diễn “The Dog & The Boy” – ông Ryotaro Makihara – chia sẻ: “Bằng cách kết hợp công nghệ và vẽ tay, tôi nhận ra rằng chúng ta nên tập trung vào phần mà chỉ con người mới có thể làm được”. Điều này ngụ ý việc sử dụng AI hỗ trợ phần tạo phông nền cho bộ phim đã giúp tiết kiệm chi phí và công sức hơn rất nhiều so với việc thuê họa sỹ vẽ tay.

Ông Ryotaro Makihara - Đạo diễn "The Dog & The Boy"

(Nguồn ảnh: Internet)

Được biết, ekip sản xuất đã sử dụng những công cụ có tích hợp trí tuệ nhân tạo như Stable Diffusion hay Midjourney để hoàn thiện. Mặc dù đầu vào dữ liệu và quá trình cụ thể AI tạo ra phông nền như thế nào không được công bố, thế nhưng, một vài bước cơ bản hình thành sản phẩm đã được hé lộ tại phần hậu trường. Theo đoạn phim, bố cục chung vẫn cần được vẽ tay bởi con người trước, sau đó đưa qua phần mềm tích hợp AI để chỉnh sửa lại về màu sắc, tính thẩm mỹ và thêm một vài chi tiết tạo độ sắc nét hơn ở bước cuối cùng.

Quy trình sử dụng AI vẽ bối cảnh

(Nguồn: Netflix Japan)

Liệu AI có thật sự sẽ cướp mất “miếng cơm manh áo” của các họa sỹ vẽ anime?

Trong dây chuyền sản xuất hoạt hình Nhật Bản, họa sỹ vẽ hậu cảnh thường bị đánh giá thấp và bị coi là “lao động phổ thông” bởi không có tính sáng tạo cao. Nhiệm vụ của họ là hoàn thiện nốt phần bối cảnh sau khi tác giả phác thảo nét chính về nội dung để cho ra một sản phẩm hoạt hình hay truyện tranh hoàn thiện. Không thể phủ nhận việc các họa sỹ vẽ nền đã đóng góp một phần quan trọng trong khâu sản xuất, thế nhưng bất chấp điều đó, mức lương của họ được chi trả một cách bèo bọt. Theo tờ The Vice, năm 2021, mức lương trung bình cho một họa sĩ vẽ cảnh trình độ thường sẽ ở mức khoảng 200 USD/ tháng (tương đương hơn 4 triệu 700 VNĐ).

Sau khi tác phẩm “The Dog & The Boy” ra mắt, đi kèm thông báo của Netflix Nhật Bản trên twitter về sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo trong khâu tạo phông nền cho bộ phim, nhà sản xuất đã vấp phải làn sóng chỉ trích mạnh mẽ. Cụ thể, nhiều người cho rằng nhận định công nghệ AI sẽ giúp cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm với cùng một nguồn lực cũng như lý do “thiếu nhân sự” là cái cớ nực cười, bao biện cho lòng tham vô đáy của hãng.

Theo đó, đạo diễn “The Dog & The Boy” tỏ ra lạc quan với phương pháp của mình, ông cho rằng AI sẽ giúp các nghệ sĩ tập trung vào những phần mà máy móc không thể thay thế con người, nâng cao hiệu suất làm việc cũng như chất lượng sản phẩm, chỉ cần một nguồn lực chính cho cả quá trình sản xuất. Nghĩa là vị trí của các họa sĩ vẽ nền sẽ dần biến mất. Thay vì chi trả mức lương xứng đáng hơn với công sức lao động của các họa sỹ, họ chọn cách đổ tiền cho công nghệ trí tuệ nhân tạo. Dẫu thế, AI không hoàn toàn tự sáng tạo ra một sản phẩm được mà vẫn phải dựa vào sự hướng dẫn của con người.

Phông nền mùa đông

Phông nền mùa xuân

Phông nền mùa hạ

(Phông nền các mùa trong bộ anime “The Dog & The Boy được thực hiện bởi AI)

(Nguồn: Netflix Japan)

Các họa sỹ vẽ bối cảnh cho hay, trước kia họ phải chịu áp lực trong công việc bởi thời gian sáng tác cần kịp với tiến độ đăng tải của nhà xuất bản hay xưởng phim, song song với đó là chạy theo số lượng, chỉ tiêu trong khi mức lương không đủ trang trải cuộc sống và công sức bỏ ra bị coi thường, thì giờ đây, họ còn phải đối mặt với nguy cơ mất việc bởi sự thay thế mạnh mẽ từ các công cụ tự động. Theo Mignon, sau khi “The Dog & The Boy” ra mắt, từ khóa #SupportHumanArtists (Hỗ trợ những nghệ sỹ) vốn đã xuất hiện từ tháng 12/2022 một lần nữa “viral” trên các nền tảng mạng xã hội.

Ngoài những phát biểu của Netflix Nhật Bản xoay quanh câu chuyện phông nền của bộ phim được vẽ bởi trí tuệ nhân tạo, phần credit kết thúc sau 3 phút phim cũng vấp phải nhiều chỉ trích. Tại mục Background Designer, hãng chỉ điền vỏn vẹn một dòng nhỏ “AI + Human”, ám chỉ việc họ sử dụng kết hợp cả nhân lực và trí tuệ nhân tạo để vẽ nên phần nền. Nhiều khán giả và giới mộ điệu nghệ thuật lên tiếng đây là hành động báng bổ công sức của các họa sỹ đã tham gia kiến tạo nên một phần không thể thiếu trong các bộ anime khi họ thậm chí còn không được xướng tên mà chỉ gọi chung là “Human” (con người).

Việc trí tuệ nhân tạo phát triển vượt trội, trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ phát triển nhiều giải pháp giúp ích cho con người trong nhiều lĩnh vực là điều không thể chối cãi. Thế nhưng, AI đang dần bị lạm dụng với mục đích rút ngắn thời gian và công sức lao động đã trở thành mối lo ngại với nhiều nhân sự các ngành khác nhau. Thời gian gần đây, những ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực nghệ thuật, được sử dụng để vẽ tranh trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Bên cạnh những lời khen và sự hứng thú của người tiêu dùng, nhiều họa sỹ chuyên nghiệp đã tỏ ra bất bình bởi các bức tranh do AI vẽ nên không có tính sáng tạo, hầu hết chúng chỉ học theo phong cách và nét vẽ từ các họa sỹ nổi tiếng, sau đó “xào nấu” lại để cho ra bức vẽ hoàn chỉnh của riêng chúng.

Tóm lại, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhằm hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ sản xuất trong ngành phim ảnh nói chung và hoạt hình nói riêng là một phương pháp cải thiện hiệu suất lao động tương đối tốt. Dẫu vậy, cốt lõi của một tác phẩm thành công vẫn nằm ở sức sáng tạo của con người, chúng ta chỉ nên xem AI là công cụ hỗ trợ hơn là phương án thay thế. Song, nhược điểm của công nghệ này là chúng cần một lượng dữ liệu đầu vào để học hỏi và bắt chước chứ không hoàn toàn tự sáng tạo ra sản phẩm. Chính vì thế, các nhà làm phim có thể tận dụng trí tuệ nhân tạo để tham khảo hay tinh chỉnh lại từ tác phẩm gốc, không nên lạm dụng tránh vi phạm bản quyền sáng tạo.

Tin tức khác
Công nghệ AI đã thay đổi ngành quảng cáo như thế nào?

Công nghệ AI đã thay đổi ngành quảng cáo như thế nào?

Ngày đăng 06/02/2023
Machine Learning là gì? Các ứng dụng thực tiễn của học máy

Machine Learning là gì? Các ứng dụng thực tiễn của học máy

Ngày đăng 03/02/2023
Machine Learning (Học máy) là một công cụ của Trí tuệ nhân tạo và hiện được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống như tài chính, bán lẻ, giáo dục,...
VTC Academy ra mắt chương trình học lấy bằng cử nhân Nhật Bản

VTC Academy ra mắt chương trình học lấy bằng cử nhân Nhật Bản

Ngày đăng 21/04/2024
VTV.vn – Chương trình liên kết đào tạo ngành Công nghệ thông tin vừa được công bố trong buổi ký kết hợp tác giữa VTC Academy và tập đoàn giáo dục KAKE từ Nhật Bản.
Khóa học mới nhất
Kỹ Thuật Phần Mềm (Liên Thông Quốc Tế)

Kỹ Thuật Phần Mềm (Liên Thông Quốc Tế)

5 (1249)
Hình thức học: Tập trung
Thời hạn: 2.5 năm
Khối ngành: Công nghệ thông tin
Kỹ Xảo Hoạt Hình 3D (Liên Thông Quốc Tế)

Kỹ Xảo Hoạt Hình 3D (Liên Thông Quốc Tế)

5 (1452)
Hình thức học: Tập trung
Thời hạn: 2.5 năm
Khối ngành: Thiết kế
Trí Tuệ Nhân Tạo

Trí Tuệ Nhân Tạo

5 (1783)
Hình thức học: Tập trung
Thời hạn: 2.5 năm
Khối ngành: Công nghệ thông tin
Tin tức khác
Công nghệ AI đã thay đổi ngành quảng cáo như thế nào?

Công nghệ AI đã thay đổi ngành quảng cáo như thế nào?

Ngày đăng 06/02/2023
Machine Learning là gì? Các ứng dụng thực tiễn của học máy

Machine Learning là gì? Các ứng dụng thực tiễn của học máy

Ngày đăng 03/02/2023
Machine Learning (Học máy) là một công cụ của Trí tuệ nhân tạo và hiện được ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực đời sống như tài chính, bán lẻ, giáo dục,...
Khởi động năm học mới với Ngày Hội Tân Học Viên VTC Academy 2024 bùng nổ cùng nhiều hoạt động thú vị và quà tặng hấp dẫn ở cả 3 miền

Khởi động năm học mới với Ngày Hội Tân Học Viên VTC Academy 2024 bùng nổ cùng nhiều hoạt động thú vị và quà tặng hấp dẫn ở cả 3 miền

Ngày đăng 12/08/2024
Tháng 8 này, VTC Academy tại 3 miền sẽ mang đến một sự kiện vô cùng sôi động và đáng mong chờ nhất - Ngày Hội Tân Học Viên VTC Academy 2024! Đây là cơ hội để các bạn tân học viên khởi động một năm học mới, niên khoá 2024 - 2026 đầy năng lượng để bắt đầu hành trình theo đuổi đam mê tại ngôi nhà chung VTC Academy.

Liên hệ với VTC Academy Plus

  • Hà Nội: 0857 976 556
  • Đà Nẵng: 0865 098 399
  • Hồ Chí Minh: 0818 799 299