Kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin có phải là một?
Với sự phát triển của cách mạng 4.0, các nhóm ngành công nghệ – kỹ thuật dần trở thành xu hướng nghề nghiệp của các bạn trẻ Hai trong số đó là ngành Công nghệ thông tin và Kỹ thuật phần mềm. Tuy nhiên, khi phải đứng trước lựa chọn sẽ theo đuổi ngành nào, khá nhiều bạn vẫn phân vân vì không biết các ngành này có gì khác nhau, kỹ thuật phần mềm có phải công nghệ thông tin, kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin có gì khác nhau,… Hiểu được điều đó, VTC Academy Plus sẽ mang đến bài viết giúp bạn phân biệt rõ ngành kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin và lời khuyên hữu ích để chọn ngành học phù hợp với mình.
Ngành công nghệ thông tin là gì?
Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có tốc độ phát triển nhanh vượt bậc và một trong những ngành học được nhiều bạn trẻ theo đuổi Công nghệ không ngừng cải thiện cuộc sống của con người trong nhiều lĩnh vực đời sống khác nhau, từ trong giáo dục đến kinh doanh, y học,…
Vậy ngành Công nghệ thông tin là gì?CNTT là một lĩnh vực rộng lớn với nhiều phân ngành. Đây là ngành sử dụng máy tính, bộ lưu trữ, mạng lưới thông tin và những thiết bị vật lý, cơ sở hạ tầng khác nhau để xây dựng, xử lý, phân phối, lưu trữ, bảo vệ và chuyển đổi tất cả các dạng thông tin điện tử.
Theo học ngành Công nghệ thông tin, bạn sẽ được trang bị cái nhìn toàn diện về thế giới công nghệ cũng như các kiến thức nền tảng về mạng máy tính, phần mềm, lập trình, hệ thống thông tin,… Đi sâu hơn vào những ngành học này, bạn sẽ có thêm kiến thức từ xây dựng và quản lý các phần mềm, chương trình, ứng dụng CNTT cho doanh nghiệp cho đến hỗ trợ, giải quyết và khắc phục các vấn đề cho mọi người
Ngành kỹ thuật phần mềm là gì?
Ngày nay, các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính xách tay (laptop) đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Các ứng dụng, phần mềm ra đời để đáp ứng nhu cầu sử dụng thiết bị di động và cải thiện đời sống tinh thần của mọi người Điều này dẫn tới ngành Kỹ thuật phần mềm được ngày càng mở rộng và thu hút nhiều bạn trẻ theo đuổi.
Vậy ngành Kỹ thuật phần mềm là gì? Thực tế, Kỹ thuật phần mềm là một chuyên ngành thuộc ngành CNTT. Đây là ngành nghiên cứu chi tiết về các quy trình, kỹ thuật và cách thức hoạt động để xây dựng, thiết kế, phát triển, kiểm thử và bảo trì phần mềm đa nền tảng.
Sản phẩm của ngành này thường là các phần mềm, ứng dụng, chương trình hay website có thể chạy trên các thiết bị điện tử nhằm đáp ứng các nhu cầu sống của con người. Nghiên cứu sâu hơn về ngành này thì bạn sẽ đi sâu hơn về các mảng như điện thoại, máy tính để bàn, máy tính xách tay và các thiết bị điện khác tùy vào nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể học thêm về các nền tảng bên ngoài các thiết bị nói chung. Cụ thể, bạn sẽ học về xây dựng, thiết kế và phát triển các hệ thống lớn của các doanh nghiệp và hệ thống trong các siêu thị, bệnh viện, nhà máy
Phạm vi kiến thức và nội dung học tập của từng ngành
Ngành Công nghệ thông tin
Ngành CNTT là ngành đến mang cho người học góc nhìn toàn diện về lĩnh vực công nghệ. Vì vậy theo học ngành này, bạn sẽ được trang bị kiến thức và kỹ năng cho tất cả các mảng trong ngành. Cụ thể, khi học CNTT bạn sẽ được học tổng quan về các mảng trong ngành gồm có:
- Khoa học máy tính
- Công nghệ phần mềm
- Kỹ thuật máy tính
- Hệ thống thông tin
- Mạng máy tính và truyền thông
- An toàn thông tin mạng
Bên cạnh đó, bạn cũng sẽ được học thêm về quản lý dự án công nghệ thông tin cũng như các kỹ năng phát triển ứng dụng web, lập trình game trên mobile nếu có nhu cầu. Sau đó, dựa vào sở thích cũng như năng lực của bản thân, bạn có thể lựa chọn theo một chuyên ngành nhất định để phát triển thêm.
Ngành Kỹ thuật phần mềm
Có thể nói công việc chính của chuyên ngành này chính là tạo ra các ứng dụng, phần mềm và chương trình máy tính, vì vậy những kiến thức mà bạn được học sẽ chủ yếu liên quan đến lập trình và phát triển phần mềm. Cụ thể, gồm có:
- Kiến thức lập trình cơ bản với các loại ngôn ngữ lập trình
- Lập trình Web
- Lập trình ứng dụng điện thoại
- Lập trình phần mềm cho máy tính
Bên cạnh đó, bạn có thể sẽ được học thêm về phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), quản lý dự án phần mềm hay nghiên cứu các giải pháp kiến trúc phần mềm.
Xem thêm: Lập trình viên cần học những gì?
Cơ hội nghề nghiệp của mỗi ngành
Ngành Công nghệ thông tin
Vì là một ngành với các kiến thức được giảng dạy được trải đều ở tất cả các mảng của công nghệ, sau khi tốt nghiệp ngành này, bạn có thể làm được rất nhiều công việc khác nhau và trải nghiệm nhiều vị trí trong doanh nghiệp. Khi mà thị trường công nghệ thông tin ngày càng mở rộng, cùng với nguồn khát nhân lực, thì tìm được một công việc phù hợp với bạn với mức lương ổn định là một điều hoàn toàn có thể.
Bạn có thể ứng tuyển ở các vị trí sau:
- Người chịu trách nhiệm vận hành, quản lý và điều phối kỹ thuật tại các doanh nghiệp xây dựng, thiết kế và gia công ứng dụng, phần mềm, thiết kế web hoặc các công ty tư vấn, thiết kế các giải pháp công nghệ,…
- Làm việc tại các công ty, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực lắp ráp, phân phối, bảo trì phần cứng hay thiết bị tin học nói chung
- Làm việc liên quan đến cách sử dụng các phần mềm, ứng dụng và chương trình công nghệ hoặc chuyển giao phần mềm, công nghệ
- Ngoài ra, nếu là người có năng lực và đã học sâu hơn về lập trình, bạn cũng có thể nhận làm các vị trí làm lập trình trong một dự án phần mềm hay ứng dụng nào đó
- Kỹ sư công nghệ thông tin chịu trách nhiệm về mạng, cơ sở hạ tầng,…
Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin, mức lương bạn nhận được cũng khá tốt so với mặt bằng chung các ngành khác. Theo đó, bạn có thể nhận được mức lương khởi điểm lên tới 5-8 triệu/tháng, và tăng lên đến 20-30 triệu/tháng.
Ngành Kỹ thuật phần mềm
Thực tế, phần lớn sản phẩm của ngành Kỹ thuật phần mềm là các phần mềm, ứng dụng, chương trình có chức năng cải thiện đời sống, hoạt động kinh doanh và sản xuất của con người. Vì vậy, khi trở thành một kỹ sư phần mềm, công việc chủ yếu của bạn sẽ liên quan đến lập trình, và nếu có năng lực bạn sẽ phát triển lên các vị trí cao hơn với vị trí quản lý trong ngành công nghệ phần mềm.
Theo đó, đây là một số công việc mà bạn có thể ứng tuyển:
- Kỹ sư phần mềm, Kỹ sư công nghệ, Kỹ sư hệ thống, Kỹ sư dữ liệu, Kỹ sư kiểm thử phần mềm
- Nhà phát triển web, ứng dụng di động, phần mềm đa nền tảng, phần mềm cho các hệ thống
- Kỹ sư Trí tuệ nhân tạo, Chuyên viên phân tích dữ liệu, …
- Chuyên viên phân tích kinh doanh cho các doanh nghiệp
- Ngoài ra, bạn có thể làm thêm các dự án riêng của mình, hoặc làm lập trình viên cho các dự án nhỏ hoặc mở một công ty startup nếu có ý tưởng mới
Với những kỹ năng như trên, Kỹ thuật phần mềm là một trong những ngành nghề được săn đón ở Việt Nam và cả ở nước ngoài. Vì vậy, mức lương của Kỹ sư phần mềm khá cao so với các ngành nghề khác trong cùng lĩnh vực. Hiện tại, ở Việt Nam, mức lương trung bình của ngành này dao động từ 15 đến 25 triệu đồng/ tháng. Bên cạnh đó, những vị trí đòi hỏi chuyên môn cao hơn có thể đạt đến 40 triệu/ tháng.
Xem thêm: Mức lương của các lập trình viên
Tuy nhiên, xét về mặt phát triển lâu dài trong tương lai, nếu bạn chuyên tâm làm việc, học tập và phát triển thì cả hai ngành đều là những xuất phát điểm vô cùng tốt cho các vị trí quản lý cấp cao của một công ty hay doanh nghiệp như Giám đốc Công nghệ, Giám đốc điều hành, Giám đốc Kỹ thuật,..
Nên học Kỹ thuật phần mềm hay Công nghệ thông tin?
Khi đứng trước việc lựa chọn theo học ngành Công nghệ thông tin và Kỹ thuật phần mềm, rất nhiều bạn trẻ vẫn còn phân vân không biết nên theo học ngành nào. Vì vậy, trước khi quyết định theo đuổi ngành nào, bạn cân nhắc kỹ lưỡng và dựa vào sở thích cá nhân, năng lực của bản thân để lựa chọn ngành nghề thích hợp.
Nếu bạn là một người có thói quen nghiên cứu tìm tòi, say mê đọc sách, có vốn kiến thức tương đối rộng, không thích làm những công việc có tính chất lặp đi lặp lại như viết code làm việc tại một chỗ với những dòng code và muốn phát triển nhiều hơn về mặt quản lý thì ngành Công nghệ thông tin sẽ là một lựa chọn hoàn hảo dành cho bạn.
Ngược lại, nếu bạn là một người giỏi tính toán, thích những gì liên quan đến logic, ưa khám phá và thử thách bản thân tạo ra những điều mới mẻ, thì Kỹ thuật phần mềm chính là nghề bạn nên theo đuổi.
Và dù cho bạn có theo đuổi ngành nào trong hai ngành được nhắc đến ở trên, thì bạn phải luôn có đam mê với ngành đó. Bởi vì, để có thể đạt được đỉnh cao trong sự nghiệp, cả hai ngành đều đòi hỏi sự kiên trì tìm hiểu, nghiên cứu và học tập khá cao ở bạn.
Như vậy, tuy có chung nền tảng là công nghệ nhưng Công nghệ thông tin và Kỹ thuật phần mềm là hai ngành học hoàn toàn khác nhau. Qua bài viết này, VTC Academy Plus mong bạn đã có thể hiểu rõ và phân biệt được Kỹ thuật phần mềm và Công nghệ thông tin để có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn cho con đường sự nghiệp tương lai.